Điều trị bệnh từ năm 2 tuổi
Theo thông tin từ người nhà, từ năm 2 tuổi, em Tiêu Hồng Như (quê ở tỉnh Kiên Giang) đã có những triệu chứng đi không vững, teo cơ 2 chân phát triển không đều. Gia đình thấy bất thường nên đã đưa em đi chữa trị từ bệnh viện địa phương đến nhiều bệnh viện lớn tại TP.HCM.
Em Như tâm sự: “Từ khi em nhận thức được thì cơn đau lưng, đau chân cứ đeo bám em suốt 19 năm qua. Ba mẹ đã tìm cách đưa em điều trị khắp nơi. Lúc nhỏ thì em được chẩn đoán thiếu canxi. Đến khi em học lớp 6, mẹ đưa em lên bệnh viện ở TP.HCM chữa trị. Bác sĩ chẩn đoán em bị hoại tử chỏm xương đùi phải uống thuốc giảm đau rất nhiều. Uống nhiều tới mức em viêm ruột non phải nằm viện điều trị. Gần đây, em cảm thấy cơn đau ở cột sống ngày càng nhiều hơn. Cơn đau lưng đau chân cứ nhói lên làm em không đi được sau đó lại hết nhưng 1 ngày diễn ra nhiều lần hơn. Cảm nhận chân em cũng yếu hơn. Đêm đến cảm giác đau nhiều làm em ngủ không được…”.
Vỡ òa khi tìm ra bệnh
Được người quen hướng dẫn, gia đình quyết tâm đi tìm lời giải cho căn bệnh của em tại Bệnh viện ĐKQT S.I.S Cần Thơ. Tại đây, sau khi thăm khám, bác sĩ chỉ định cho em chụp MRI cột sống. Từ kết quả hình ảnh, bác sĩ chẩn đoán em mắc căn bệnh hiếm gặp dị dạng mạch máu tủy bẩm sinh. Gia đình cho biết, trong 19 năm qua đây là lần đầu tiên em Như được chụp MRI cột sống và cũng tìm ra bệnh.
TS.BS Trần Chí Cường thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân
“Bác sĩ Cường giải thích chi tiết các triệu chứng từ ban đầu, các bước diễn tiến của bệnh. Rồi tư vấn hướng điều trị và cả rủi ro nếu không điều trị kịp thời. Mình nghe bác nói mà cảm giác giống như bác chăm sóc bệnh cho bé Như từ nhỏ vậy. Gia đình hoàn toàn tin tưởng điều trị cho em” - Mẹ bé Như chia sẻ.
Khối dị dạng mạch máu tủy được phát hiện trên hình chụp MRI
Điều trị phối hợp nhiều chuyên khoa
Đối với trường hợp của em Tiêu Hồng Như, đây là ca bệnh điển hình của dị dạng mạch máu tủy bẩm sinh. TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, thành viên Hội Can thiệp Thần kinh Thế giới, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ người trực tiếp chẩn đoán và điều trị cho biết: “Khi bệnh nhân đến khám, từ các triệu chứng điển hình các bác sĩ nghi ngờ có dấu hiệu tổn thương hệ thần kinh tủy sống và chỉ định cho bệnh nhân chụp cộng hưởng từ cột sống. Từ kết quả về mặt hình ảnh học cho thấy khối dị dạng lớn ở vùng mạch máu tủy gây phù tủy, chèn ép rất nặng gây yếu chân. Thông thường đường kính tủy sống khoảng 2 cm nhưng túi phình dị dạng có đường kính lên đến gần 2,4 cm đã chèn ép toàn bộ vùng chóp cùng tủy trong đó có chùm đuôi ngựa.
Hình ảnh khối dị dạng chèn ép tủy sống của bệnh nhân lên đến ~2,4 cm
Rất may mắn bệnh nhân đã được tiến hành điều trị kịp thời. Ê kíp bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và có chỉ định điều trị can thiệp gây tắc mạch máu. Sau khi gây tắc chỗ thông động tĩnh mạch tủy đã được chữa khỏi hoàn toàn. Túi phình có kích thước rất lớn nên sau khi gây tắc cần phải mổ để cắt bỏ hoàn toàn vùng dị dạng để phục hồi cho bệnh nhân.
Hình chụp DSA khối dị dạng sau can thiệp gây tắc
19 năm mới biết cảm giác hết đau lưng
Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có sự hồi phục khả quan, tình trạng đau nhức biến mất hoàn toàn. Em Tiêu Hồng Như vui mừng chia sẻ: “19 năm rồi em mới biết cảm giác hết đau là như thế nào”.
Sau thành công của ê kíp can thiệp và phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được điều trị phục hồi với các bài tập vận động và các thiết bị máy móc hiện đại trong lĩnh vực phục hồi chức năng. BS.CKI Trương Đan Kha - Phó Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng cho biết: “Quá trình tập luyện của em Như gặp nhiều khó khăn do 2 chân đã bị teo cơ khá nhiều. Đội ngũ kỹ thuật viên đã tập tại giường để em có thể phục hồi 2 chân cũng như sức cơ. Đồng thời kết hợp với máy móc kỹ thuật cao như máy Laser công suất cao, máy Từ trường siêu dẫn để quá trình phục hồi được nhanh hơn. Em Như đã có tiến triển rõ rệt, hai chân đã có cảm giác tốt, tình trạng teo cơ dần được cải thiện. Em đã tự đứng được và đang tập bước những bước chân đầu tiên”.
Bệnh nhân tập đi đứng vận động với sự hướng dẫn của Kỹ thuật viên Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng
Bệnh dị dạng mạch máu tủy dễ bị bỏ sót
Khi người thân trong gia đình mắc các triệu chứng như yếu chân, yếu tứ chi, đặc biệt là ở trẻ em yếu 1 chân, đi dễ té ngã, teo cơ, đau vùng lưng, đau kéo dài không rõ nguyên nhân,... thì nên đến khám tại chuyên khoa thần kinh. Tại khu vực ĐBSCL, Bệnh viện ĐKQT S.I.S Cần Thơ có đầy đủ thiết bị máy móc và đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao trong chẩn đoán và điều trị.
TS.BS Trần Chí Cường lưu ý thêm: “Từ trường hợp của em Tiêu Hồng Như, mặc dù tỷ lệ dị dạng mạch máu tủy sống, dị dạng mạch máu tủy cổ rất hiếm gặp nhưng vẫn không nên bỏ qua. Xin quý đồng nghiệp lưu ý nếu như chụp X-quang hay khám lâm sàng thông thường thì khó có thể chẩn đoán dị dạng mạch máu tủy. Hiện tại, phương pháp cận lâm sàng tốt nhất để chẩn đoán đó là chụp cộng hưởng từ. Minh chứng đó là qua hình ảnh chụp cộng hưởng từ bằng máy MRI 3.0 Tesla tại Bệnh viện ĐKQT S.I.S Cần Thơ có thể thấy rõ toàn bộ cột sống cũng như khối dị dạng mà không cần phải tiêm bất kỳ loại thuốc tương phản nào”.