Thiếu vitamin D: "Căn bệnh âm thầm" dễ bị bỏ qua

Sức Khỏe News

SKTD- Vitamin D là vi chất dinh dưỡng thiết yếu đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại với thói quen ít tiếp xúc ánh nắng mặt trời và chế độ ăn không cân đối, tình trạng thiếu vitamin D đang ngày càng trở nên phổ biến mà nhiều người không nhận ra.

Nhiều người thiếu mà không biết

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, vitamin D không chỉ giúp hấp thu canxi – khoáng chất cần thiết cho xương – mà còn tham gia điều hòa miễn dịch, bảo vệ tim mạch, thần kinh và thậm chí cả tâm trạng. Tuy vậy, do biểu hiện thường không rõ ràng, nhiều người thiếu vitamin D trong thời gian dài mà không hề hay biết, dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe.

Dấu hiệu thường gặp khi thiếu vitamin D

Một số biểu hiện có thể là lời cảnh báo sớm của cơ thể:

Mệt mỏi kéo dài: Người thiếu vitamin D thường cảm thấy uể oải, thiếu năng lượng dù nghỉ ngơi đầy đủ.

Đau nhức xương và cơ: Các cơn đau âm ỉ ở lưng, khớp hoặc cơ bắp – đặc biệt vào buổi sáng – có thể liên quan đến thiếu hụt vitamin D làm suy yếu cấu trúc xương.

Dễ mắc bệnh vặt: Vitamin D đóng vai trò trong chức năng miễn dịch. Khi thiếu, cơ thể dễ bị cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp hoặc chậm lành vết thương.

Rụng tóc bất thường: Một số nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa thiếu vitamin D và chứng rụng tóc thể mảng.

Tâm trạng chán nản, dễ cáu gắt: Vitamin D ảnh hưởng đến hoạt động của serotonin – chất dẫn truyền thần kinh có liên quan tới tâm trạng. Thiếu hụt kéo dài có thể làm gia tăng nguy cơ trầm cảm hoặc lo âu.

Chậm lành xương sau chấn thương: Nếu vết gãy xương hoặc tổn thương phần mềm phục hồi lâu hơn bình thường, có thể là dấu hiệu của việc thiếu vitamin D.

thieu-vitamin-d-1-1751770762.jpg

Thiếu vitamin D là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng loãng xương

Để xác định chính xác nhất, liệu cơ thể có thiếu vitamin D hay không là làm xét nghiệm định lượng 25(OH)D trong máu. Mức dưới 20 ng/mL được coi là thiếu, từ 20–30 ng/mL là không đủ và từ 30 ng/mL trở lên là mức đạt chuẩn.

Để cải thiện tình trạng thiếu vitamin D, các chuyên gia khuyến nghị người bệnh cần tăng cường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn, từ 10–20 phút mỗi ngày; Bổ sung vitamin D qua thực phẩm như cá hồi, gan, lòng đỏ trứng, sữa và nấm; Dùng thực phẩm chức năng hoặc thuốc bổ sung vitamin D theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt với người cao tuổi, người làm việc trong nhà hoặc có chế độ ăn thiếu hụt.

Lưu ý, dù cần thiết nhưng việc bổ sung vitamin D cần được thực hiện có kiểm soát. Việc lạm dụng vitamin D liều cao có thể gây tác dụng phụ như buồn nôn, rối loạn nhịp tim, vôi hóa mạch máu và tổn thương thận.

Trước thực trạng thiếu hụt vi chất ngày càng phổ biến, đặc biệt trong nhóm dân số thành thị, các chuyên gia y tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra định kỳ và nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của vitamin D đối với sức khỏe toàn diện.