Xử phạt công ty sản xuất thuốc Incepban 400 Chewable Tablet vi phạm chất lượng

Trần Hoàng Quang

SKTD - Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế công bố quyết định xử phạt 50 triệu đồng với Công ty Incepta Pharmaceuticals Ltd, do sản xuất Viên nén nhai Incepban 400 Chewable Tablet (Albendazole 400mg) kém chất lượng. Đại diện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính này là Công ty TNHH Thương mại Dược Mỹ phẩm Nam Phương.

Theo thông tin từ Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, Công ty Incepta Pharmaceuticals Ltd (Bangladesh) sản xuất thuốc Viên nén nhai Incepban 400 Chewable Tablet (Albendazole 400mg), số đăng ký VN-17916-14, số lô 18003, NSX NOV 18, HD OCT 21 (tức sản xuất ngày 18/11, hạn sử dụng đến 21/10) vi phạm chất lượng mức độ 3 theo quy định của pháp luật.

Do đó, Cục Quản lý Dược quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Incepta Pharmaceuticals Ltd (Bangladesh) số tiền 50 triệu đồng. Đại diện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là Công ty TNHH Thương mại Dược Mỹ phẩm Nam Phương (địa chỉ: ô số 14, BT3, tiểu khu đô thị Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội).

vien-nen-nhai-incepban-400-chewable-tablet-1659695772.png

Trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt, Công ty Incepta Pharmaceuticals Ltd (Bangladesh) (đại diện chấp hành xử phạt vi phạm hành chính là Công ty TNHH Thương mại Dược Mỹ phẩm Nam Phương) không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy nguy hiểm khi dùng thuốc kém chất lượng là vấn đề ai cũng biết, song theo thừa nhận của các cơ quan quản lý, phải mất rất nhiều thời gian để cơ quan chức năng đưa ra được kết luận một sản phẩm thuốc kém chất lượng. Vậy nên, với người dân, để biết sản phẩm nào tốt, sản phẩm nào không tốt khó như việc hái sao trên trời.

Để phát hiện thuốc kém chất lượng, chỉ có cách duy nhất là đưa đến kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương. Tuy vậy, có những loại thuốc, mất rất nhiều thời gian kiểm nghiệm, đến khi có kết quả thì thuốc đã nằm trong cơ thể người bệnh.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, theo các chuyên gia, việc ra các quyết định thu hồi, cảnh báo chất lượng, tương tác hay tai biến thuốc ở Việt Nam thường chậm hàng tháng, thậm chí nhiều tháng so với cảnh báo của cơ quan quản lý dược châu Âu và Mỹ. Bên cạnh đó, để thuốc kém chất lượng có cơ hội tiếp cận với người dùng là do sự minh bạch thông tin và giám sát việc đấu thầu các gói thầu cung cấp thuốc còn nhiều bất cập.

Nhìn ra thế giới, có thể thấy, đa số các nước rất chú trọng việc xây dựng hàng rào kỹ thuật thuốc nhập khẩu; nghiên cứu giới hạn số lượng nhập khẩu theo nhu cầu, nhất là những mặt hàng đã sản xuất trong nước. Điểm mạnh ở các nước là tiến hành kiểm tra định kỳ nhà máy sản xuất, kiểm nghiệm sản phẩm mà chi phí do bên xuất khẩu chi trả. Khi kiểm tra đủ điều kiện mới cho nhập thuốc. Trong khi đó, Việt Nam chưa có chiến lược định hướng rõ ràng về thuốc cần ưu tiên hoặc hạn chế nhập khẩu, nên chưa có các giải pháp cụ thể.

Ngành dược là ngành kinh doanh có điều kiện được tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn hóa và hội nhập quốc tế cao; các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều được giám sát chặt chẽ bởi việc tiền kiểm và hậu kiểm. Khi người tiêu dùng phải sử dụng thuốc kém chất lượng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về doanh nghiệp sản xuất, sau đó tới các cơ quan quản lý liên quan. Để tăng hiệu quả quản lý nhà nước liên quan công tác dược phẩm, cần đẩy mạnh cả công tác tiền kiểm, hậu kiểm.