Trước thềm Trung thu, tạm giữ hơn 4.200 đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc

Trần Hoàng Quang

SKTD - Cục Quản lý Thị trường tỉnh Thái Bình cho biết, lực lượng chức năng của đơn vị vừa kiểm tra, phát hiện và tạm giữ hơn 4.000 đồ chơi trẻ em không có nhãn hàng hóa và có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc xuất xứ.

Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Thái Bình vừa phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Công an tỉnh Thái Bình kiểm tra, phát hiện lượng lớn đồ chơi trẻ em không có nhãn hàng hóa và có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó, thực hiện kế hoạch chuyên đề kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng phục vụ Tết Trung thu năm 2022, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh đồ chơi trẻ em Bùi Thị Mai, địa chỉ tại Trần Nhật Duật, Chợ Bo, Phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình và khám kho hàng của hộ kinh doanh tại địa chỉ Công ty cổ phần dụng cụ thể dục thể thao, Đường Lý Bôn, TP Thái Bình. 

banh-trung-thu-1661759019.jpg
 

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 4.202 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại không có nhãn hàng hóa, không có tem hợp quy và chủ cửa hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của toàn bộ số hàng hóa nêu trên. Đoàn kiểm tra tạm giữ toàn bộ 4.202 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại trên, để thẩm tra xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo nắm bắt của cơ quan Quản lý thị trường thì hầu hết sản phẩm đồ chơi không có tem đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và nhập lậu nên giá thành rẻ, không được kiểm định chất lượng có thể gây ảnh hưởng, nguy hiểm đến sức khỏe trẻ em.

Trước hiện tượng mặt hàng đồ chơi Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán trên các sàn TMĐT, mạng xã hội các chuyên gia sức khoẻ, cảnh báo những món đồ chơi này rất có thể ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ của trẻ em khi tiếp xúc trực tiếp. Bác sỹ Nguyễn Thị Hữu, Khoa nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho biết, nhiều loại đồ chơi không rõ nguồn gốc thường được làm từ nhựa kém chất lượng, kim loại pha chì, rất độc hại khi dùng. “Các cháu nhỏ thường có thói quen ngậm đồ chơi, nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, có thể gây nên các căn bệnh về đường ruột, viêm phổi” - bác sỹ Hữu nói.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, người tiêu dùng không nên ham mua đồ chơi giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ cho trẻ em. Khi chọn đồ chơi cho con trẻ, phụ huynh nên lưu ý tới nhãn mác, xuất xứ, thành phần của sản phẩm. Đối với những sản phẩm được làm bằng nhựa, cần phải kiểm tra xem nó có chứa các kim loại nặng như asen, chì, thủy ngân... gây hại cho trẻ hay không. Nên chọn các thương hiệu đồ chơi uy tín, chất lượng. Trong trường hợp sau khi tiếp xúc với các loại đồ chơi, trẻ có dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, mẩn ngứa,....phụ huynh cần ngừng cho con chơi những món đồ đó, đưa đến các cơ sở y tế khám nếu không có dấu hiệu không thuyên giảm.