Sở Y tế Hà Nội: Xử phạt 80 cơ sở sản xuất bánh trung thu vi phạm quy định ATTP

Trần Hoàng Quang

SKTD - Chỉ trong thời gian ngắn, Sở Y tế Hà Nội đã thanh kiểm tra 3.848 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng bánh trung thu, nguyên liệu sản xuất bánh trung thu, các sản phẩm khác phục vụ Tết Trung thu. Qua đó, có 80 cơ sở đã bị phạt với tổng số tiền hơn 458 triệu đồng.

Đến hẹn lại lên, thị trường bánh trung thu lại nhộn nhịp với đủ các thương hiệu, mẫu mã. Tuy nhiên, ngoài những mặt hàng bánh trung thu của các thương hiệu trong nước, trên thị trường còn lưu hành nhiều loại bánh trung nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mang đến nhiều nguy cơ về sức khoẻ cho người sử dụng.

 Vì vậy UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu. 

Để bảo đảm mùa lễ trung thu an toàn, thời gian qua, các Sở: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật của các cơ sở kinh doanh, sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu. UBND các quận, huyện, thị xã có kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Trung thu trên địa bàn; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu của các xã, phường, thị trấn và kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng bánh trung thu, nguyên liệu sản xuất bánh trung thu, các sản phẩm khác phục vụ Tết Trung thu.

banh-trung-thu-1662687904.jpeg
Sở Y tế Hà Nội: Xử phạt 80 cơ sở sản xuất bánh trung thu vi phạm quy định ATTP

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 5/9, trên toàn thành phố đã có tổng số 666 đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó, tuyến thành phố có 19 đoàn và 647 đoàn tuyến quận, huyện. Kết quả đã có 3.848 cơ sở được thanh tra, kiểm tra. Qua đó, có 80 cơ sở đã bị phạt với tổng số tiền hơn 458 triệu đồng và đình chỉ 1 cơ sở.

Ngoài thanh kiểm tra, lực lượng chức năng cũng đã tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, người kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Nội dung tuyên truyền cho các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh, người sử dụng bánh trung thu.

Bánh trung thu không rõ nguồn gốc nguy hiểm như thế nào?

Liên quan đến vấn nạn bánh trung thu hiện nay, theo các chuyên gia thực phẩm, về các loại bánh không rõ nguồn gốc hoặc bánh nhập đang được rao bán tràn lan, để có giá thành rẻ, kéo dài thời gian sử dụng, nhà sản xuất có thể sử dụng các loại phẩm màu, đường hóa học, chất bảo quản không được phép sử dụng để hạ giá thành sản phẩm. Để kiểm soát vấn đề chất lượng hoặc an toàn vệ sinh thực phẩm là rất khó, bởi đa phần bánh được nhập với quy mô nhỏ, buôn bán qua mạng nên khó truy xuất nguồn gốc. Thậm chí có nơi quảng cáo bánh handmade, song lại nhập bánh không rõ xuất xứ hoặc nhập từ Trung Quốc về bán.

Việc sử dụng bánh trung thu trôi nổi, không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào thì theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng lâm sàng, vấn đề bánh trung thu dùng hóa chất, chất tạo mùi công nghiệp gây ảnh hưởng đến sức khỏe là không phải bàn cãi. Bởi nếu người sản xuất không tuân thủ các quy chuẩn an toàn, sử dụng hóa chất, phẩm màu, chất bảo quản ngoài danh mục, trong danh mục nhưng sử dụng quá ngưỡng... đều có nguy cơ gây hại.

Theo đó, hóa chất tạo màu, tạo mùi công nghiệp… khi bị nhiễm vào cơ thể nó có thể gây tổn hại đến tất cả các cơ quan thần kinh, nội tạng và bề mặt da khi tiếp xúc trực tiếp… Không chỉ có vậy, việc ăn bánh trung thu có tồn dư hóa chất công nghiệp, nhân bánh không đảm bảo còn có thể gây ngộ độc cấp tính như đau bụng, buồn nôn. Nguy hiểm hơn, nó còn tích tụ dần vào cơ thể gây nên những ảnh hưởng cho sức khỏe sau này, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Cũng theo các chuyên gia, trong hai loại bánh dẻo và bánh nướng thì nguy cơ bánh dẻo bị lên men, nấm mốc cao hơn hẳn so với bánh nướng. Vì bánh dẻo thì được làm theo kiểu nhồi ruột vào vỏ chín (đậu xanh tạo men nhanh nên dễ bị lên men, nấm mốc hơn) và đóng khuôn thành phẩm. Còn bánh nướng thì đảm bảo hơn do được qua quá trình xử lý nhiệt.