Chú trọng ứng dụng công nghệ đẩy lùi vấn nạn thuốc, thực phẩm chức năng giả

Trần Hoàng Quang

SKTD - Sáng 23/8, Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI tổ chức buổi hội thảo “Thuốc giả và thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp” để tìm kiếm một số giải pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn trên.

Ngày nay, không chỉ thực phẩm ăn uống bị làm giả mà thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng cũng được làm giả khá tinh vi và giao bán tràn lan. Thậm chí các đối tượng còn bất chấp khi mà dùng mọi chiêu thức để quảng cáo sản phẩm thuốc điều trị, thực phẩm chức năng giả đến tay người tiêu dùng thông qua mạng xã hội.

Trong nhiều năm qua, số lượng thuốc, thực phẩm chức năng giả xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân ngày càng gia tăng. Đây là vấn đề nhức nhối trong dư luận xã hội bởi việc sử dụng thuốc giả gây ảnh hưởng xấu, trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng.

Tuy nhiên thường rất khó để phân biệt một sản phẩm là thuốc giả bởi sự giả mạo rất tinh vi và cách kỹ lưỡng. Chỉ khi những sản phẩm này được phân tích tại các cơ sở kiểm nghiệm mới có thể xác định được sự khác biệt giữa thuốc thật và thuốc giả mạo.

canh-bao-thuoc-gia-1661250007.jpg

Với mục đích tạo diễn đàn trao đổi giữa các nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm kiếm một số giải pháp nhằm ngăn chặn nạn lưu hành thuốc và thực phẩm chức năng giả, Viện Phát triển Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp với Trung tâm công nghệ Chống hàng giả Việt Nam tổ chức buổi hội thảo: “Thuốc giả và thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp”.

Được biết, trong năm 2021, Tổng cục Quản lý Thị trường đã phát hiện 41.375 vụ vi phạm trên cả nước, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng và có mức độ phức tạp không hề nhỏ. Trong đó, có những sản phẩm liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng. Năm 2022, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp.

Tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Diệu Hà - Tổng thư ký chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam – cho hay, trong số các mẫu thuốc tân dược bị làm giả thì đa số là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng. Thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, thuốc thật và giả khi để cạnh nhau, tuy nhiên điều này người tiêu dùng rất khó để phân biệt.

Thuốc giả không chỉ là bất hợp pháp mà còn là mối quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Điều trị bằng thuốc giả mạo không hiệu quả như đối với trường hợp kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc. Các thuốc giả được sản xuất tại cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp các thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch.

Bà Lê Thị Thu Thuỷ - Phó Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) cũng cho rằng, thuốc và thực phẩm chức năng không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính.

Vì vậy Hiệp hội doanh các doanh nghiệp Dược tại Việt Nam mong muốn rằng cùng với việc công nghệ thông tin ngày càng phát triển, cần nghiên cứu và phát triển công nghệ chống giả tiên tiến, hiện đại để giải quyết vấn đề chống hàng giả.

Song song với đó, các doanh nghiệp Dược cũng nên chủ động tiếp cận, ứng dụng các công nghệ chống giả phù hợp, có khả năng chống giả để bảo vệ uy tín thương hiệu của mình, cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng là trách nhiệm và sức mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc.