Cảnh báo tình trạng ngộ độc do rượu pha chế từ cồn công nghiệp

Trần Hoàng Quang

SKTD - Tại Hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban quản lý An toàn Thực phẩm, các chuyên gia đã bàn về vấn đề ngộ độc do rượu pha chế từ cồn công nghiệp với nhiều ca nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM cho biết, cuối năm 2021 khi dịch COVID-19 đang bùng phát, nhiều vụ ngộ độc liên tiếp xảy ra tại khu vực phía Nam. 2 vụ việc có số người ngộ độc nhiều nhất được tiếp nhận, điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất TPHCM và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương với hàng chục trường hợp ngộ độc, trong đó có 7 người tử vong.

Qua khai thác bệnh sử ghi nhận, trước đó các nạn nhân đều mua rượu không rõ nguồn gốc về uống, sau đó xảy ra ngộ độc. Các kết quả xét nghiệm ghi nhận, nồng độ Methanol trong máu của bệnh nhân tăng cao. Thực tế trên cho thấy, các bệnh nhân đã bị ngộ độc do sử dụng rượu pha chế từ cồn công nghiệp.

ngo-doc-con-cong-nghiep-1658132650.jpg
Cảnh báo tình trạng ngộ độc do rượu pha chế từ cồn công nghiệp

Mới đây nhất, ngày 11/7, khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận bệnh nhân K.V (52 tuổi, ngụ tại TPHCM) được người dân đưa vào bệnh viện sau khi uống rượu và ngất xỉu ngoài đường. Qua khai thác bệnh sử và thực hiện xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ xác định bệnh nhân bị ngộ độc Methanol.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, các loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc ở Việt Nam hoàn toàn có nguồn gốc không phải do các loại rượu nấu truyền thống, mà nguyên nhân chính là các kẻ xấu, những người kinh doanh rượu phi pháp đã mua cồn công nghiệp methanol về đóng chai hoặc pha thành các loại rượu rởm, trà trộn với các loại rượu truyền thống để thu lợi bất chính và gây ngộ độc. Hiện nay, rượu pha cồn công nghiệp vẫn đang bán trôi nổi trên thị trường, trong các quán ăn, nhà hàng mà chưa được kiểm soát tốt.

Cũng có nguyên nhân nhiều công ty cũng nhập các loại cồn chứa methanol về đóng chai và dán nhãn cồn sát trùng hoặc cồn để đốt và bán ở các hiệu thuốc, thậm chí không loại trừ có các cơ sở y tế nhập về để sử dụng.

“Về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều a xít formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch”, bác sĩ Nguyên cho biết thêm.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, methanol là một loại cồn công nghiệp. Bản thân methanol là chất độc có độc tính thấp, nhưng khi được đưa vào cơ thể người, nó sẽ được chuyển hóa thành formaldehyde nhờ men alchohol dehydrogenase và sau đó thành formic acid nhờ men acetaldehyde dehydrogenase. Chính những chất này gây độc cho gan, thận, gây suy thận cấp, viêm gan nhiễm độc, đặc biệt là gây toan hóa máu nặng nề. Chính vì vậy để phòng, tránh ngộ độc cồn công nghiệp, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Người dân cũng nên hạn chế tối đa việc uống rượu.